PHỐI HỢP THUỐC TIÊM TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐỘNG VẬT NUÔI
Trong điều trị bệnh ở động vật, việc tiêm các loại thuốc có tác dụng hỗ trợ nhau để tạo một tác dụng tổng lực nhằm tăng hiệu quả điều trị là cần thiết. Tuy nhiên khi tiêm mũi thứ 2 thì sẽ khó thực hiện do vật nuôi bị đau, chạy nhảy hoảng loạn.
Cho nên khi không có chuồng ép hoặc không có điều kiện cầm cột tốt, người chăn nuôi thường pha chung các loại thuốc trong cùng một mũi tiêm, việc này có thể dẫn đến tương kỵ làm giảm hiệu lực của thuốc và đôi khi gây hại cho sức khỏe của động vật nuôi. Một số thông tin được trình bày sau đây nhằm giúp người chăn nuôi hạn chế các tương kỵ khi pha chung các dạng thuốc tiêm điều trị bệnh cho động vật nuôi.
Tương kỵ thuốc =========================
Tương kỵ thuốc là phản ứng xảy ra giữa các thuốc làm cho thuốc không còn an toàn hay hiệu quả. Tương kỵ thuốc được phân thành hai loại:
1) Tương kỵ về hóa lý: Là tương kỵ của các thuốc khi pha trộn chung mà ta có thể nhận ra bằng cảm quan như thay đổi màu sắc, độ đục, kết tủa, kết tinh.
2) Tương kỵ trong điều trị hay tương tác thuốc: Là tương kỵ xảy ra bên trong cơ thể sau khi tiêm thuốc. Tương kỵ xảy ra qua hai cơ chế dược lực học (đối kháng/hiệp lực tại đích tác dụng) và dược động học (hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ).
Trong phạm vi bài viết này chúng ta chỉ xem xét tương kỵ về hóa lý khi pha chung các sản phẩm dung dịch tiêm với nhau
Do mỗi loại thuốc tiêm đều được sản xuất theo một qui trình chuyên biệt. Trong đó tùy theo bản chất của hoạt chất chính mà loại dung môi đặc thù được sử dụng để tạo độ hòa tan tốt nhất phù hợp cho thao tác tiêm chích. Ngoài các hoạt chất chính được công bố rõ ràng trên nhãn, các tá dược cũng được thêm vào để hỗ trợ tan, giảm kích ứng khi tiêm, tạo tác dụng theo yêu cầu, tạo độ ổn định và bảo quản sản phẩm sản, đây là các thông tin thuộc bí mật công nghệ, không yêu cầu phải công bố trên nhãn. Các thông tin trên cho thấy mỗi loại dung dịch tiêm được bào chế theo một qui trình riêng của từng nhà sản xuất và được chỉ định dùng đơn lẽ trong từng mũi tiêm, do vậy khi pha chung các sản phẩm thuốc tiêm với nhau, đặc biệt là sản phẩm của các nhà sản xuất khác nhau thì các tương kỵ có thể xảy ra mà ta không thể biết trước được như:
– Tương tác vật lý: Do tương tác giữa các thành phần khác nhau trong từng sản phẩm dẫn đến thay đổi màu, mùi, vị, độ nhớt, cấu trúc dung môi, tỉ trọng, pH v.v… các tương tác này có thể làm giảm hiệu lực hoặc mất hiệu lực của sản phẩm.
– Tương tác hóa học: Do tương tác giữa các thành phần có trong nhiều sản phẩm dẫn đến các phản ứng hóa học ( phản ứng oxy hóa khử, trao đổi, kết hợp, phản ứng thủy phân) có thể xảy ra làm thay đổi các thông số đã được thiết lập chuyên biệt cho từng sản phẩm đơn lẽ ban đầu. Các phản ứng này làm các thành phần thuốc có thể bị chuyển hóa, biến tính, kết tủa, kết tinh làm thuốc không còn giá trị sử dụng.
Hậu quả ============================
Việc pha chung các loại thuốc tiêm thành một hỗn hợp có thể dẫn đến tương kỵ thuốc làm thay đổi cấu trúc và chất lượng sản phẩm, sự thay đổi này có thể dẫn đến tổn thương mô học tại vị trí tiêm, gây áp xe, tắc mạch máu do thuốc bị kết tinh hay kích ứng mô. Hầu hết các tương kỵ đều dẫn đến thất bại khi điều trị nên việc pha chung các loại thuốc tiêm không được khuyến khích. Tuy nhiên trong điều kiện cần thiết phải pha trộn chung để tiêm một lần thì để hạn chế nguy cơ tương kỵ, người chăn nuôi cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
Biện pháp giảm thiểu tương kỵ===============
1. Thuốc suspension (hỗn dịch): Thuốc có thành phần là hoạt chất ở dạng hạt siêu mịn phân tán trong dung dịch nền, dung dịch thuốc có màu trắng đục như sữa, để yên sẽ phân tầng, khi dùng thuốc dạng suspension phải lắc mạnh cho hạt phân tán đều. Thuốc suspention chỉ dùng tiêm bắp. Không pha chung các thuốc dạng suspension với nhau hoặc pha với các dung dịch khác.
2. Thuốc tiêm mạch (IV): Hoạt chất chính được pha chế trong các dung môi đặc biệt tương ứng với từng sản phẩm. Không pha chung các thuốc dùng tiêm mạch với nhau hoặc pha chung với dung dịch tiêm bắp. Trong một số trường hợp dung dịch tiêm có thể pha vào dịch truyền, tuy nhiên phải tuân thủ theo một chỉ định nghiêm nhặt, không được trình bày tại đây.
3. Giảm thiểu số sản phẩm pha chung : Một sản phẩm thuốc tiêm ngoài hoạt chất chính được thể hiện trong nhãn sản phẩm, còn chứa nhiều chất hỗ trợ khác (gọi chung là tá dược) để tạo nên tính chuyên biệt của sản phẩm. Do vậy việc pha trộn chung nhiều loại sản phẩm sẽ tỉ lệ thuận với khả năng xảy ra tương tác vì có quá nhiều thành phần trong một hợp chất mới pha tiêm.
4. Chỉ nên pha trộn thuốc có cùng loại dung môi: Trước khi quyết định pha trộn các thuốc với nhau cần xem dung môi sản phẩm (được ghi trên nhãn) là tương tự nhau. Việc pha chung sản phẩm có dung môi khác nhau dễ dẫn đến thay đổi pH, thay đổi độ hòa tan, phá vỡ sự ổn định của sản phẩm, dung dịch pha chung có thể bị thay đổi hình thái, kết tủa, kết tinh.
5. Trộn kỹ dung dịch pha chế: Các loại thuốc dự kiến pha chung phải được đưa vào một chai trung gian để lắc kỹ cho hòa đều vào nhau, tránh hiện tượng phân tầng dễ dẫn đến tổn thương vị trí tiêm.
6. Kiểm tra độ hòa tan: Kiểm tra dung dịch pha chung bằng nguồn sáng chiếu ngược. Chỉ sử dụng khi hỗn hợp pha chung khi có độ hòa tan đồng đều, không phân tầng, không vẫn đục, không tạo bọt, không chứa tiểu phần lơ lững.
7. Kiểm tra lại chất lượng của hỗn hợp: Gởi mẫu kiểm nghiệm xác định hàm lượng của từng hoạt chất để phòng trường hợp hoạt chất chính bị phân hủy hoặc biến tính do các phản ứng hóa học xảy ra mà ta không thể lường trước được. Ví dụ pH thấp của dung dịch vitamin C sẽ gây bất hoạt kháng sinh bêta-lactam và cephalosporin khi pha chung với nhau.
8. Ghi chép lại cẩn thận các sản phẩm đã dùng pha chung và tỉ lệ pha của các thành phần khi hỗn hợp thuốc pha chung đã được chứng minh là không tương kỵ, an toàn cho động vật thí nghiệm (không gây sốc, áp xe) và có hiệu quả khi điều trị động vật bệnh để có thể ứng dụng cho những lần sau.
9. Sau khi pha chung các loại thuốc tiêm với nhau, cần tiêm thử nghiệm hỗn hợp này cho một vài động vật theo chỉ định để đánh giá độ an toàn trước khi sử dụng tiêm đại trà. Chú ý phản ứng trên động vật khỏe và động vật bệnh có thể khác nhau, cho nên để chính xác cần tiêm thử trên động vật bệnh tại trại nuôi. Tiêm thử nghiệm được áp dụng ngay cả khi công thức pha kết hợp đã sử dụng an toàn trong các đợt điều trị trước đó.